Mục lục
Một số người không nhận thấy sự bất bình đẳng của phụ nữ trong đời sống & xã hội, nhưng điều đó không có nghĩa là phong trào nữ quyền không nên tồn tại.
Nữ quyền là gì?
Feminism (Nữ quyền) – về cốt lõi, là niềm tin vào sự bình đẳng xã hội, kinh tế và chính trị giữa các giới tính. Mặc dù các phong trào nữ quyền ban đầu phần lớn bắt nguồn từ phương Tây. Nhưng trong một thập kỷ trở lại đây, nữ quyền đã lan rộng trên toàn thế giới với sự ra đời của nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động vì quyền và lợi ích của phụ nữ.
Thuyết nữ quyền tồn tại trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nổi lên từ các phong trào nữ quyền với nguồn gốc của sự bất bình đẳng trong xây dựng xã hội về giới tính.
Có rất nhiều quan niệm khác nhau về nữ quyền. Theo mình, không có một định nghĩa nào để trả lời chính xác cho câu hỏi: “What’s Feminism? – Nữ quyền là gì?” Bởi những vấn đề liên quan đến khoa học xã hội luôn luôn có nhiều quan điểm trái chiều và liên tục thay đổi theo thời gian.
Trong bài viết này, Nàng Nguyệt sẽ khắc họa “hình hài” của Nữ quyền thông qua lịch sử hình thành, các phong trào nổi bật và quan điểm của những nhà hoạt động vì nữ quyền để đem đến cho bạn cái nhìn toàn diện và rõ nét nhất nhé!
Những nhà hoạt động vì nữ quyền đầu tiên
Tại Pháp thời trung cổ, nhà triết học Christine de Pisan đã thách thức những hạn chế của xã hội và kêu gọi thúc đẩy giáo dục cho phái nữ.
Ở Anh thế kỷ 18, cuốn sách “A Vindication of the Rights of Woman” của Mary Wollstonecraft đã trở thành tác phẩm tiêu biểu của triết học nữ quyền bằng tiếng Anh.
Chủ nghĩa nữ quyền ở Hoa Kỳ có một số nhân vật nổi bật từ giữa đến cuối thế kỷ 19 như Lucretia Mott, Elizabeth Cady Stanton và Susan B. Anthony.
Chủ nghĩa nữ quyền nổi lên đã mang lại cho phụ nữ phương Tây cơ hội được giáo dục, quyền bầu cử, chống lại sự phân biệt đối xử trong công việc và quyền đưa ra quyết định mang thai. Với quá trình toàn cầu hóa, các phong trào nữ quyền bắt đầu lan rộng sang các cộng đồng dân tộc khác và thành công khi thách thức những chuẩn mực văn hóa phổ biến về phụ nữ.
Toàn cầu hóa và nữ quyền
Vào cuối thế kỷ XX, các nhà nữ quyền châu Âu và châu Mỹ đã bắt đầu kết nối và tương tác với phong trào nữ quyền (thời bấy giờ đang còn non trẻ) tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Phụ nữ ở các nước phát triển, đặc biệt là giới trí thức, đã rất ngạc nhiên và phẫn nộ khi phát hiện ra rằng, phụ nữ ở một số quốc gia bị buộc phải đeo mạng che mặt ở nơi công cộng hoặc nạn tảo hôn, thiêu chết góa phụ,…
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Liệu chủ nghĩa nữ quyền có thể thống nhất và thành công khi toàn cầu hóa hay không? Những vấn đề mà phụ nữ đang phải đối mặt ở vùng núi Pakistan hay sa mạc ở Trung Đông có thể được giải quyết một cách độc lập, hay phải thông qua các diễn đàn quốc tế? Với sự khác biệt về tình hình kinh tế, chính trị và văn hóa trên toàn cầu, câu trả lời cho những vấn đề ở Nairobi chắc chắn sẽ khác so với New York. Vậy cần giải quyết điều đó như thế nào? Đây vẫn là những thách thức cho các nhà hoạt động, các tổ chức nữ quyền trên toàn thế giới.
Lịch sử nữ quyền
Thời tiền sử (The ancient world)
Có một số bằng chứng và dấu hiệu cho thấy rằng các phong trào nữ quyền đã bắt đầu nhen nhóm từ thời cổ đại. Vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, phụ nữ La Mã đã tổ chức cuộc biểu tình tại Đồi Capitoline và chặn mọi lối vào Diễn đàn khi lãnh sự Marcus Porcius Cato tuyên bố chống lại việc bãi bỏ luật hạn chế phụ nữ sử dụng hàng hóa đắt tiền.
Vào cuối thế kỷ 14 – đầu thế kỷ 15 ở Pháp, nhà triết học nữ quyền đầu tiên – Christine de Pisan, đã thách thức những bất công đối với phụ nữ trong xã hội khi kêu gọi giáo dục nữ giới.
Bảo vệ phụ nữ đã bắt đầu trở thành một chủ đề văn học vào cuối thế kỷ 16, khi tác phẩm “Il merito delle donne (1600; The Worth of Women)” – tác phẩm về nữ quyền của Moderata Fonte – một nhà văn người Venice được xuất bản.
Những nhà bảo thủ cho rằng phụ nữ thực sự hời hợt và thiếu đạo đức. Khi đó, các nhà hoạt động vì nữ quyền mới nổi đã lập ra danh sách rất nhiều những người phụ nữ can đảm và thành đạt trong xã hội bấy giờ. Tuyên bố rằng phụ nữ có trí tuệ ngang bằng với nam giới nếu họ được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng.
Đó là những dấu mốc quan trọng đầu tiên và là tiền đề cho làn sóng nữ quyền bùng lên sau này tại châu Âu.
Thời kỳ Khai sáng (The Enlightenment)
Tiếng nói nữ quyền trong thời kỳ Phục hưng không hình thành được những triết lý mới hay các phong trào nhất quán. Phải cho đến thời kỳ Khai sáng, khi phụ nữ bắt đầu yêu cầu áp dụng các luận điệu cải cách mới về tự do, bình đẳng và quyền cho cả hai giới thì nữ quyền mới bắt đầu được quan tâm.
Ban đầu, các nhà triết học thời Khai sáng chỉ tập trung vào sự bất bình đẳng giữa giai cấp, đẳng cấp xã hội và loại trừ vấn đề bất bình đẳng giới tính. Nhà triết học người Pháp gốc Thụy Sĩ Jean – Jacques Rousseau đã miêu tả phụ nữ là những sinh vật ngớ ngẩn và phù phiếm, sinh ra để phục tùng đàn ông. Bên cạnh đó, Tuyên ngôn về quyền của con người và công dân của Pháp sau cuộc cách mạng năm 1789 đã không đề cập đến địa vị và pháp lý của phụ nữ.
Các nữ trí thức thời bấy giờ đã chỉ ra sự thiếu cân bằng và phạm vi hạn chế của các luận điệu cải cách. Olympe de Gouges – một nhà viết kịch nổi tiếng, đã xuất bản Décloy des droits de la femme et de la citoyenne (1791; Tuyên ngôn về Quyền của Phụ nữ). Tuyên bố rằng phụ nữ không chỉ bình đẳng với nam giới mà còn là bạn đời của họ.
Ngay sau đó, Mary Wollstonecraft’s A Vindication of the Rights of Woman (1792) – tác phẩm nổi tiếng về nữ quyền bằng tiếng Anh đã được xuất bản. Tác phẩm này đã phê phán quan điểm cho rằng phụ nữ chỉ tồn tại để làm hài lòng đàn ông. Bà đề xuất các cơ hội bình đẳng trong giáo dục, công việc và chính trị giữa cả 2 giới. Trong tác phẩm này, bà viết: “Phụ nữ cũng có lý trí tự nhiên như đàn ông. Nếu họ ngốc nghếch, chỉ là do xã hội đã không cho họ cơ hội được giáo dục và đào tạo bình đẳng.”
Thời kỳ Khai sáng đã trở thành kỷ nguyên của sự bùng nổ chính trị, đánh dấu bởi các cuộc cách mạng ở Pháp, Đức, Ý và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bãi nô.
Tại Hoa Kỳ, chủ nghĩa nữ quyền bắt đầu khi những người theo chủ nghĩa bãi nô (là phụ nữ) tìm cách đưa các khái niệm về tự do và bình đẳng vào hoàn cảnh chính trị – xã hội của mình. Những lý tưởng ấy đã liên kết với phụ nữ theo chủ nghĩa bãi nô ở Anh. Vào giữa thế kỷ 19, các vấn đề xung quanh nữ quyền đã tạo ra sự thay đổi xã hội, với tư tưởng được lan rộng trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong bài báo đầu tiên viết về nữ quyền, Louise Otto – một phụ nữ người Đức, đã dám kí bằng tên thật của mình. Các nhà nữ quyền ở Paris bắt đầu xuất bản một tờ nhật báo mang tên La Voix des femmes (“Tiếng nói của phụ nữ”) vào năm 1848. Một năm sau đó, Luise Dittmar – nhà văn người Đức đã tiếp tục xuất bản thêm một tờ nhật báo khác tên là Soziale Reform.
Phong trào bầu cử
Những cuộc tranh luận và thảo luận về nữ quyền đã lên đến đỉnh điểm trong hội nghị đầu tiên về quyền phụ nữ, được tổ chức vào tháng 7/1848 tại thị trấn nhỏ Seneca Falls, New York. Đó là một ý tưởng đột phá do nhà thuyết giáo Quaker và các nhà hoạt động xã hội kỳ cựu, như Martha Wright (chị gái của Mott), Mary Ann McClintock, Jane Hunt, và Elizabeth Cady Stanton,… đề xuất.
Hội nghị đã được lên kế hoạch và thông báo trước 5 ngày, công bố trên mục quảng cáo nhỏ của một tờ báo địa phương. Stanton đã sử dụng Tuyên ngôn Độc lập làm kim chỉ nam để tuyên bố rằng “tất cả nam giới và phụ nữ đều bình đẳng”. Bà đã soạn thảo 11 nghị quyết, bao gồm cả yêu cầu cấp tiến nhất đối với phụ nữ – quyền bầu cử. Tất cả 11 nghị quyết đã được thông qua, và thậm chí họ còn giành được sự chấp thuận với tuyên bố cuối cùng “lật đổ quyền được giáo dục chỉ dành cho đàn ông và đảm bảo phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong các ngành, nghề và hoạt động thương mại khác. “
Tuy nhiên, do phần lớn nội dung chỉ hướng tới quyền giáo dục và chính trị bình đẳng, phong trào nữ quyền còn non trẻ thời bấy giờ chưa hướng tới việc đòi quyền cho những phụ nữ phải làm việc nhà quá nhiều. Một phụ nữ da trắng đã lên tiếng, Sojourner Truth – một người từng làm nô lệ – tượng trưng cho khoảng cách giữa người bình thường và tầng lớp thượng lưu. Bài diễn văn nổi tiếng “Ain’t I a Woman” của cô được phát vào năm 1851 trước Hội nghị Quyền của Phụ nữ ở Akron, Ohio.
Sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ, xu hướng tinh hoa đã làm gia tăng khoảng cách giữa những người tổ chức nữ quyền và số đông phụ nữ Mỹ sống trong những khu ổ chuột hoặc nhập cư. Vì nhiều phụ nữ thuộc tầng lớp lao động, vốn quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tiền lương, giờ làm và luật bảo vệ đã chọn phong trào công đoàn thay vì nữ quyền. Bên cạnh đó, những người theo chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến chỉ tập trung duy nhất vào việc đòi quyền bầu cử. Năm 1920, chủ nghĩa nữ quyền ở Mỹ tuyên bố thắng lợi lớn đầu tiên khi được thông qua Tu chính án thứ 19 trong Hiến pháp.
Làn sóng nữ quyền thứ hai
Phong trào phụ nữ trong những năm 1960 – 1970 được gọi là “The Second Wave Of Feminism – làn sóng nữ quyền thứ hai”. Khởi đầu bởi cuộc nổi loạn trong văn hóa đại chúng ở Hoa Kỳ.
Nếu các nhà nữ quyền ở làn sóng thứ nhất được truyền cảm hứng bởi phong trào bãi bỏ, thì làn sóng nữ quyền thứ hai có căn nguyên dựa trên phong trào dân quyền, các nguyên tắc về bình đẳng, công lý và các cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam.
Khác với làn sóng đầu tiên, chủ nghĩa nữ quyền ở làn sóng thứ hai đã tạo ra những cuộc thảo luận lý thuyết sâu rộng về nguồn gốc của sự áp bức phụ nữ, bản chất giới tính và vai trò của gia đình. Nhưng bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo ra một hệ tư tưởng nữ quyền thống nhất và bao trùm đều không thành công.
Cuối cùng, ba luồng tư tưởng chính về nữ quyền nổi lên. Đầu tiên là chủ nghĩa nữ quyền tự do, tập trung vào sự thay đổi cụ thể và thực dụng ở cấp độ thể chế và chính phủ. Mục tiêu của nó là gắn kết phụ nữ vào cơ cấu quyền lực và có cơ hội bình đẳng vị trí trong xã hội như nam giới. Ví dụ như số lượng phụ nữ và nam giới nắm giữ các vị trí quyền lực như nhau hay được trả lương bằng nhau. Các nhóm nữ quyền tự do cũng ủng hộ các hoạt động bảo vệ phụ nữ, chẳng hạn như quyền lợi đặc biệt tại nơi làm việc cho các bà mẹ.
Trái ngược với cách tiếp cận của chủ nghĩa nữ quyền tự do, chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến hướng tới việc định hình lại xã hội và tái cấu trúc các thể chế của nó. Nói một cách đơn giản là thay đổi các vấn đề gia trưởng trong gia đình. Họ lập luận rằng vai trò của phụ nữ có mối liên hệ quá chặt chẽ với cấu trúc xã hội, cố gắng thay thế truyền thống và sự thiên vị đối với nam giới.
Cuối cùng là chủ nghĩa nữ quyền về văn hóa hay “sự khác biệt”, bác bỏ quan điểm cho rằng nam giới và phụ nữ về bản chất là giống nhau và tôn vinh những phẩm chất gắn liền với phụ nữ. Chẳng hạn như quan tâm nhiều hơn đến các mối quan hệ tình cảm. Bên cạnh đó, họ phê phán nỗ lực của chủ nghĩa nữ quyền chính thống khi cố gắng thay đổi những đặc quyền truyền thống dành cho nam giới. Điều này bị coi là bôi nhọ thiên hướng tự nhiên của phụ nữ bằng cách cố gắng làm cho phụ nữ giống nam giới hơn.
Làn sóng nữ quyền thứ ba
Làn sóng nữ quyền thứ ba nổi lên vào giữa những năm 1990, được dẫn dắt bởi Thế hệ X (những người sinh ra trong những năm 1960 – 1970) và trưởng thành trong môi trường bão hòa về phương tiện truyền thông, đa dạng văn hóa – kinh tế.
Mặc dù được thừa hưởng nhiều lợi ích đáng kể từ các quyền và sự bảo vệ hợp pháp mà các nhà nữ quyền trước đó đã dành được ở làn sóng thứ nhất và thứ hai, họ vẫn chỉ trích các lập trường và những công việc chưa hoàn thành của 2 làn sóng nữ quyền trước.
Làn sóng thứ ba được thực hiện nhờ sức mạnh kinh tế và nghề nghiệp, địa vị phụ nữ đạt được, sự mở rộng lớn về cơ hội, những ý tưởng được tạo ra bởi cuộc cách mạng thông tin vào cuối thế kỷ 20, và sự xuất hiện của các học giả và nhà hoạt động thế hệ X.
Việc xuất bản ngày càng dễ dàng hơn trên Internet, các tạp chí điện tử và blog trở nên phổ biến. Nhiều nhà văn đã sử dụng Internet như một diễn đàn để trao đổi thông tin và xuất bản các bài luận, video để tìm kiếm một lượng lớn khán giả tiềm năng. Internet đã dân chủ hóa các nội dung của phong trào nữ quyền và tạo cơ hội lan tỏa thông điệp đến nhiều phụ nữ trên thế giới.
Làn sóng nữ quyền thứ tư
Năm 2012
Làn sóng nữ quyền thứ tư (gần đây nhất) bắt đầu vào khoảng năm 2012, tập trung vào các vấn đề nổi cộm như quấy rối tình dục, body shaming và nạn hiếp dâm. Việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội đã góp phần làm nổi bật sự quan tâm của cộng đồng trên khắp thế giới.
Vào tháng 12/ 2012, một phụ nữ trẻ đã bị hãm hiếp tập thể dã man ở Ấn Độ và đã chết, làm dấy lên các cuộc biểu tình trong nước và sự phẫn nộ quốc tế. Tiếp theo đó là chiến dịch Gamergate – thể hiện cho cái gọi là “phong trào vì quyền của nam giới” (men’s rights movement) bắt nguồn từ trang web 4chan. GamerGate bề ngoài là thể hiện thông điệp thúc đẩy đạo đức trong lĩnh vực báo chí và trò chơi điện tử, nhưng trên thực tế, đó là một chiến dịch quấy rối, chống lại sự công bằng xã hội.
HeForShe (năm 2014)
Vào tháng 9/2014, chiến dịch HeForShe đã được khởi động. HeForShe là một chiến dịch kêu gọi mọi người trên toàn thế giới cùng nhau tham gia đấu tranh chống bất bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ.
1,3 tỷ người đã truy cập HeForShe.org và đăng ký để cùng nhau góp phần tạo ra một thế giới bình đẳng. HeForShe được quảng bá bởi UN Women (Phụ nữ Liên Hợp Quốc) và được kêu gọi bởi Emma Watson – một trong những người ủng hộ nổi bật nhất cho phong trào này.
Emma Watson – nữ diễn viên trong loạt phim nổi tiếng thế giới Harry Potter. Cô là Đại sứ thiện chí toàn cầu của UN Women. Trong thời gian đương nhiệm, Emma đã đến Bangladesh, Zambia và Uruguay để tham gia các buổi trò chuyện và diễn thuyết liên quan đến chủ đề giáo dục cho phụ nữ. Cũng như thường xuyên đăng tải các bài viết về nữ quyền lên trang twitter cá nhân của cô với hơn 21,7 triệu người theo dõi.
Năm 2016
Donald Trump đã đánh bại Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. Trump đã đưa ra một số nhận xét được cho là “quá khích” về phụ nữ. Một ngày sau cuộc bầu cử, một bà ngoại đã lên Facebook và đề xuất một cuộc tuần hành ở Washington, DC. Lời kêu gọi đó đã nhanh chóng tạo được sức hút và có sức ảnh hưởng thay đổi xã hội, đặc biệt là về vấn đề bình đẳng giới. Với tên gọi Women’s March, chiến dịch đã nhanh chóng phát triển, bao gồm các cuộc biểu tình trên khắp Hoa Kỳ và toàn thế giới. Các cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 21/1/2017 – một ngày sau lễ nhậm chức của Trump và có tới 4,6 triệu người đã tham dự.
Me Too
Một chiến dịch ý nghĩa khác là Me Too, được phát động vào năm 2006 tại Mỹ nhằm hỗ trợ những người sống sót sau bạo lực tình dục, đặc biệt là phụ nữ da màu. Chiến dịch này đã thu hút được sự chú ý rộng rãi bắt đầu từ năm 2017, sau khi có thông tin cho rằng ông trùm điện ảnh Harvey Weinstein đã nhiều năm quấy rối tình dục và tấn công phụ nữ trong ngành mà không bị trừng phạt.
Các nạn nhân của hành vi quấy rối hoặc tấn công tình dục trên khắp thế giới – và thuộc mọi sắc tộc – bắt đầu chia sẻ trải nghiệm của họ trên phương tiện truyền thông xã hội, sử dụng thẻ hastag #MeToo. Phong trào này đã phát triển rất mạnh mẽ, lên án hàng chục người đàn ông quyền lực trong giới chính trị, kinh doanh, giải trí và truyền thông đã có hành vi quấy rối hay xâm hại tình dục đối với phụ nữ.
Xem thêm: 5 lý do tại sao Gen Z đã sẵn sàng đón nhận cốc nguyệt san
Những quan niệm sai lầm về Nữ quyền
- Nữ quyền không phải là căm ghét nam giới. Quan điểm của nữ quyền là không phân biệt đối xử.
- Nữ quyền không phải là một phong trào chống lại đàn ông và phủ nhận nam quyền.
- Nữ quyền không đề cao tính ưu việt của phụ nữ. Nữ quyền là dành cho tất cả mọi người.
Có không ít những quan điểm sai lầm về Nữ quyền (Feminism). Định nghĩa của thuật ngữ này rất đơn giản: cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và cả nam giới. Một số người không cảm nhận được sự bất bình đẳng của phụ nữ trong cuộc sống và xã hội, không có nghĩa là phong trào nữ quyền không nên tồn tại. Everything happens for reason – Mọi thứ đều có căn nguyên của nó.
Mình đã thấy vô số trường hợp phụ nữ bày tỏ rằng họ không “cần” nữ quyền, bởi vì họ không ghét đàn ông hay không phải là lesbian “đồng tính nữ”. Thật đáng buồn, vì có một điều chắc chắn là họ đang hiểu sai ý nghĩa của nữ quyền.
Vô số người nổi tiếng (có cả nam giới) đã trở thành những nhà hoạt động vì nữ quyền đáng được ca ngợi. Ví dụ như các diễn viên Forrest Whittaker, Lena Dunham, Benedict Cumberbatch, Amy Poehler, Matt Damon, Beyoncé, Joseph Gordon Levitt, Claire Danes, Matthew McGrett và rất nhiều các ngôi sao lớn khác trên thế giới. Matt McGrett – một trong những diễn viên nam nổi tiếng ủng hộ vấn đề bình đẳng. Ông thường xuyên đăng tải các bài viết trên tài khoản twitter có hơn nửa triệu người theo dõi của mình về tầm quan trọng của nữ quyền. Matt McGrett là nguồn cảm hứng và giáo dục cho rất nhiều người trên khắp thế giới về ý nghĩa thực sự của nữ quyền.
Hiện nay, có rất nhiều các luồng ý kiến khác nhau và tranh luận xung quanh vấn đề nữ quyền. Không những vậy, không ít những định kiến sai lầm về khái niệm này. Liệu điều đó có ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của thế hệ trẻ, đặc biệt là phụ nữ với những người khác giới hay không?
Hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của Nàng Nguyệt để lắng nghe những chia sẻ của mình về vấn đề này nhé!
Bài liên quan
Mới nhất
Độ cứng đĩa nguyệt san có quan trọng hay không?
Mục lục Độ cứng là một trong những chủ đề được quan tâm trong cộng đồng những người dùng cốc nguyệt san. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người cũng muốn hiểu về độ cứng của đĩa nguyệt san. Tin tốt là độ cứng đĩa…
Có thể đi tiểu khi đeo cốc nguyệt san hay không?
Mục lục Nếu bạn chưa quen với việc đeo cốc nguyệt san hoặc đang cân nhắc việc chuyển đổi, thì có lẽ một trong những câu hỏi đầu tiên mà bạn có thể đặt ra là “liệu tôi có thể đi tiểu khi đang đeo cốc nguyệt san…